HỒI SINH TIM - PHỔI - NÃO
(Cardiopulmonary - cerebral resuscitation)
PGS. TS Đỗ Tất Cường
TS. Tô Vũ Khương
1. ĐẠI CƯƠNG.
1.1 Định nghĩa
Ngừng tim - phổi (cardiopulmonary arrest) là hậu quả cuối cùng của rất nhiều nguyên nhân và bệnh lý khác nhau và thường dẫn đến tử vong. Ngừng tim - phổi có thể xảy ra đột ngột ở mọi nơi trong và ngoài bệnh viện, thậm chí ngay trong phòng mổ, phòng hồi sức.
1.2 Nguyên nhân ngừng tim - phổi.
* Nguyên nhân do tim:
- Bệnh thiếu máu cơ tim.
- Tắc mạch vành cấp.
- Các bệnh cơ tim.
- Viêm cơ tim.
- Chấn thương tim chèn ép tim cấp.
- Kích thích trực tiếp vào tim.
* Nguyên nhân tuần hoàn:
- Thiếu khối lượng tuần hoàn cấp.
- Tắc mạch phổi (do khí, do cục nghẽn).
- Cơ chế phản xạ dây phế vị.
* Nguyên nhân hô hấp:
- Tràn khí màng phổi nặng.
- Thiếu oxy cấp (thường gây ra vô tâm thu): dị vật, tắc đường thở.
- Ưu thán.
* Nguyên nhân rối loạn chuyển hoá:
- Rối loạn chuyển hoá kali.
- Tăng canxi máu cấp.
- Tăng catecholamin cấp.
- Hạ thân nhiệt.
* Nguyên nhân do thuốc, nhiễm độc:
- Tác động trực tiếp của thuốc gây ngừng tim.
- Do tác dụng phụ của thuốc.
* Nguyên nhân khác:
- Điện giật.
- Đuối nước.
2 . CHẨN ĐOÁN.
2.1 Chẩn đoán ngay khi thấy:
Mất ý thức đột ngột ở bệnh nhân đang tỉnh.
Bệnh nhân đột ngột ngừng thở
Mất mạch bẹn hay mạch cảnh
2.2 Các dấu hiệu khác:
Da nhợt nhạt do mất máu cấp
Da tím ngắt nếu có suy hô hấp cấp
Máu ngừng chảy khi đang phẫu thuật hay chảy máu kéo dài từ vết mổ
Đồng tử giãn to, cố định, mất phản xạ ánh sáng (muộn)
3. XỬ TRÍ CẤP CỨU
3.1 Xử trí cấp cứu:
3.1.1 Mục đích: Là nhanh chóng phục hồi lại tuần hoàn và hô hấp hữu hiệu chống lại quá trình bệnh lý cơ bản thiếu oxy, bảo vệ não, đồng thời phát hiện và giải quyết nguyên nhân gây ra ngừng tim - phổi.
3.1.2 Nguyên tắc:
- Tại chỗ
- Nhanh chóng và chính xác
- Gọi hỗ trợ cấp cứu
3.2. Kỹ thuật thực hiện các động tác cấp cứu cơ bản (Hồi sinh tim - phổi cơ bản hay là cấp cứu giai đoạn I):
Đặt bệnh nhân nằm ngửa trên nền cứng.
Có 3 động tác phải làm: A (Airway: đường thở), B (Breathing: hô hấp), C (Circulation: tuần hoàn).
3.2.1. Kiểm soát đường thở (Airway control = A):
Ngửa nhẹ đầu, đẩy xương hàm dưới ra trước và nâng cằm bệnh nhân lên. Nếu nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ thì kéo hàm dưới một cách thận trọng tránh làm tăng thương tổn tuỷ cổ.
3.2.2. Hỗ trợ hô hấp (Breathing support = B):
Thổi ngạt miệng - miệng hoặc miệng - mũi. Thổi 3-5 cái sau đó bắt mạch bẹn hay mạch cảnh. Nếu còn mạch tiếp tục thổi ngạt 12 lần/phút.
Thổi chậm trong 1,5 - 2 giây, sau đó chờ 3 - 4 giây cho không khí thoát ra hoàn toàn trước khi thổi tiếp để tránh hơi vào làm căng dạ dày.
Nếu có điều kiện có thể hỗ trợ hô hấp bằng bóp bóng Ambu hoặc đặt ống nội khí quản, bóp bóng.
3.2.3.Hỗ trợ tuần hoàn (Circulation support = C):
Cầm máu nếu bệnh nhân có vết thương mạch máu gây mất máu cấp.
Để nằm đầu thấp nếu có tụt huyết áp nặng.
Nếu không có mạch bẹn hay mạch quay phải ép tim ngoài lồng ngực.
Ép tim ở 1/3 dưới xương ức. Mỗi lần ép làm xương ức lún xuống 0,5-1 cm
Nếu chỉ có 1 người cấp cứu: 15 lần ép tim/1 lần thổi ngạt. Ép tim với tần số 80 lần/phút.
Nếu có 2 người cấp cứu: 5 lần ép tim/1 lần thổi ngạt. Ép tim với tần số 60 lần/phút.
Tiến hành đồng thời hồi sinh tim và phổi tới khi tim bệnh nhân đập trở lại.
3.3 Giai đoạn II:
Hồi sinh tim - phổi ở một cơ sở cấp cứu được trang bị phương tiện cần thiết và có kíp cấp cứu thành thạo.
Tiếp tục công việc của giai đoạn I nếu tim chưa đập lại.
a, Đặt một đường truyền tĩnh mạch chắc chắn và đủ lớn để đưa thuốc và dịch vào dòng tuần hoàn. Nếu có điều kiện có thể đặt catheter tĩnh mạch trung tâm.
b, Bảo đảm tình trạng cung cấp oxy cho bệnh nhân
Bóp bóng Ambu với oxy 100%
Nhanh chóng đặt NKQ sau đó thông khí nhân tạo qua NKQ.
c, Thuốc:
Adrenaline là thuốc cơ bản của hồi sức chuyên sâu, chủ yếu là nhờ tác dụng b. adrenergic khôi phục khả năng co bóp của cơ tim, do đó cải thiện tính hiệu quả của ép tim ngoài lồng ngực. Kinh điển, với người lớn liều adrenaline là 1mg nhắc lại cứ 3phút/lần.
Hiện nay (năm 2000) của Hội tim mạch Mỹ và Hội hồi sức Châu Âu là dùng liều đầu tiên 1mg, cứ sau 3-5 phút nhắc lại, 3 lần mà không hiệu quả có thể dùng liều 3mg/1lần và cũng nhắc lại sau 3 phút.
Đường dùng: đường tĩnh mạch là đường được chọn lựa đầu tiên. Nếu bệnh nhân có sẵn 1 đường tĩnh mạch trung tâm thì dùng đường này vì thuốc sẽ vào tuần hoàn nhanh nhất. Nếu không có sẵn đường tĩnh mạch trung tâm thì nên đặt một đường tĩnh mạch ngoại vi, vì sẽ nhanh hơn và ít nguy hiểm hơn (adrenalin liều 1mg hoặc 3mg pha loãng trong 20ml huyết thanh mặn 9%o tiêm tĩnh mạch, trong khi tiêm cần nâng cao chi thể nơi tiêm thuốc lên và cho dịch chảy nhanh lên nếu tiêm qua dây truyền dịch đặt sẵn để đẩy nhanh thuốc về tuần hoàn chung). Có thể dùng đường nội khí quản nếu không đặt đường truyền tĩnh mạch được ngay. Khi đó phải dùng liều cao hơn gấp 2 lần liều tiêm tĩnh mạch, pha vào 5ml NaCl 0,9%. Sau khi bơm thuốc vào ống NKQ phải bóp bóng 2 nhịp để đẩy thuốc vào sâu. Có thể bơm thuốc qua 1 dây hút đưa qua ống NKQ đến tận chỗ chia 2 phế quản gốc.
d, Ghi ĐTĐ và xử trí theo loại ngừng tuần hoàn:
* Rung thất:
Chống rung thất bằng đánh sốc điện ngoài lồng ngực cường độ 200-300 J.
Xylocain 1-2 mg/kg tĩnh mạch sau đó duy trì 1-2 mg/phút nếu cần
Kaliclorua 2-4 g truyền TM (không quá 1g/h)
* Vô tâm thu:
Calcichlorua TM 0,5-1g, đặt biệt là khi có tăng K máu
Atropin 2mg TM sau đó dùng Isuprel
Isuprel tĩnh mạch 2-4mcg/phút nếu nghi mạch chậm. Gây ngừng tim (pha 5 ống vào 125ml glucose 5%)
Đặt máy tạo nhịp tim ngoài kích thích qua ống thông tạo nhịp trong buồng tim
* Xoắn đỉnh:
Isuprel truyền TM, kali, magnsie truyền tĩnh mạch.
Việc phục hồi khối lượng tuần hoàn rất cần thiết trong trường hợp có giảm khối lượng tuần hoàn một cách rõ ràng, nhất là ngừng tim do giảm thể tích máu lưu thông. Quá tải KLTH không làm cải thiện lưu lượng tim trong ép tim ngoài lồng ngực. Việc truyền dịch không hoàn toàn là có hại nhưng phải thận trọng và chừng mực. Dịch truyền thường được sử dụng nhất là huyết thanh mặn đẳng trương (hoặc ringerlactat), liều truyền vừa phải < 500ml. Nên tránh dùng dung dịch glucose nhất là glucose ưu trương vì tác dụng có hại gây tăng đường máu, toan chuyển hoá, có thể sử dụng glucose 5% trong cấp cứu.
3.4 Hồi sức tim - phổi chuyên sâu:
Chủ yếu tìm nguyên nhân để xử trí, duy trì các kết quả đạt được ở giai đoạn II, chống ngừng tuần hoàn tái phát
a, Tìm kiếm nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn và điều trị nguyên nhân.
b, Hồi sinh não:
Thông khí nhân tạo
Chống phù não
Chống tăng áp lực nội sọ
c, Hỗ trợ các chức năng sống khác chưa ổn định sau cấp cứu ngừng tuần hoàn
Duy trì huyết động
Điều chỉnh các rối loạn nước điện giải, thăng bằng toan - kiềm
Điều hoà thân nhiệt
Nuôi dưỡng…
4. NHỮNG KINH NGHIỆM CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ
Khi nào ngừng cấp cứu:
4.1 Thời gian ngừng cấp cứu phụ thuộc:
- Tình trạng bệnh, nguyên nhân
- Diễn biến trong khi cấp cứu:
+ Thời gian phát hiện ngừng tuần hoàn
+ Thời gian từ khi ngừng tuần hoàn tới khi bắt đầu cấp cứu
4.2 Tiên lượng:
a, Hồi sinh tim - phổi có kết quả:
Tim đập lại, hô hấp tự nhiên phục hồi tuy vậy vẫn có nguy cơ ngừng tuần hoàn tái phát, cần tiếp tục theo dõi hô hấp và duy trì huyết áp. Chú ý tìm và điều trị nguyên nhân.
b, Tim không đập lại dù cấp cứu đúng quy cách:
Có thể ngừng cấp cứu sau 60 phút.
c, Theo dõi sát đề phòng ngừng tim trở lại.
Đăng nhận xét